Sinh viên và vấn đề nghiên cứu khoa học

Thông qua một ít chia sẻ này, Hy vọng rằng các bạn SV sẽ có thêm nhiều khám phá và trải nghiệm mới khi tham gia NCKH. Chúc cho các em sẽ vẽ nên mảng sáng trong bức tranh NCKH của sinh viên Việt Nam

Lời mở đầu

Nghiên cứu khoa học (NCKH) chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống con người nói chung và trong các hoạt động học thuật, tư duy trong môi trường giáo dục nói riêng. Chính vì lý do đó, hoạt động NCKH tại Việt Nam, và đặc biệt là tại các trường Cao đẳng Đại học được chú trọng và khuyến khích phát triển. Khoản 2 điều 28 Luật Giáo dục Đại học năm 2012 (08) quy định một trong các nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng, trường đại học, học viện là “triển khai hoạt động đào tạo, khoa học vàcông nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.” Bên cạnh đó, Khoản 2 điều 55 của Luật này cũng quy định “Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ,bảo đảm chất lượng đào tạo” là một nhiệm vụ quan trọng của Giảng viên trường đại học. Tuy nhiên, đối tượng của hoạt động Khoa học công nghệ trong nhà trường đại học không chỉ bao gồm giảng viên và các nhà khoa học khác, mà còn có cả sinh viên (SV) thuộc các loại hình đào tạo đang theo học tại trường. Điều này thể hiện qua mục tiêu “hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho người học” mà hoạt động Khoa học Công nghệ của nhà trường hướng tới (Điều 39, Khoản 2, Luật Giáo dục Đại học).

Trong những năm gần đây, hoạt động NCKH trong SV tại các trường được chú trọng đầu tư nhiều hơn. Số lượng đề tài nộp tham gia các giải thưởng như “Tài năng Khoa học trẻ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka” do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phát động, … Trong thời gian gắn bó với hoạt động SV NCKH, tác giả nhận thấy rằng: bên cạnh những điểm sáng đáng khen ngợi, hoạt động này còn nhiều hạn chế và cần có được sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà trường, các giảng viên với vai trò là người định hướng, hướng dẫn đề tài; và nhất là từ các bạn sinh viên. Trong phạm vi bài viết này, tác giả có mong muốn chia sẻ một số quan điểm, nhận định của mình về hoạt động SV NCKH, kèm theo một số kiến nghị đề xuất để hoạt động này thực sự có ý nghĩa thiết thực hơn trong thời gian tới.

Sinh viên và vấn đề nghiên cứu khoa học

1. NCKH và lợi ích của đối với sinh viên

1.1. Một số khái niệm

Collis & Hussey (2014) chỉ ra rằng: Nghiên cứu là một quá trình tham vấn và điều tra một cách có hệ thống và có phương pháp nhằm làm gia tăng lượng kiến thức. Có nhiều cách thức phân loại nghiên cứu tùy theo các tiêu chí khác nhau. Trong đó, nếu chỉ xét đến mục đích sử dụng kết quả nghiên cứu thì có thể chia NCKH thành hai dạng cơ bản: Nghiên cứu hàn lâm và Nghiên cứu ứng dụng. (Nguyễn,2011) NCKH trong trường đại học, về thực tế, thường hướng đến cả hai dạng cơ bản trên.

Điều 59 của Luật Giáo dục Đại học quy định: Sinh viên là người tham gia “chương trình đào tạo cao đẳng, chương trình đào tạo đại học.” Đối tượng “sinh viên” được xét đến trong bài viết này là những người học tập chính quy, toàn thời gian tại cơ sở đào tạo, được xét tuyển theo kì thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng tổ chức hàng năm. Có thể nói rằng thời gian làm SV là một trong những quãng thời gian đáng nhớ nhất của đời người, do đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, khi sự ràng buộc từ phía gia đình và nhà trường đối với mỗi cá nhân đã giảm đáng kể, và thay vào đó là khả năng tự chịu trách nhiệm về hành vi, cách cư xử và tương lai của họ. Thực tế cho thấy có nhiều SV tận dụng tốt thời gian này và đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành những người có ích, phục vụ cho đất nước. Ngược lại, cũng có những SV ỷ lại, lãng phí thời gian và nỗ lực của mình và trở thành gánh nặng không nhỏ cho xã hội.

1.2. Lợi ích của NCKH đối với SV

Với chính sách khuyến khích SV tham gia NCKH ở các trường như hiện nay, có thể nói SV nhận được khá nhiều lợi ích từ hoạt động này. Các lợi ích tiêu biểu có thể tập hợp lại thành hai nhóm chính.

Thứ nhất, phải kể đến sự gia tăng đáng kể về kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu. Tham gia NCKH đòi hỏi người nghiên cứu phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức của mình, do đó việc tìm kiếm và đọc thêm các tài liệu bổ trợ là cần thiết. Thông qua điều này, kỹ năng nghiên cứu cũng như kiến thức phục vụ cho đề tài của các bạn SV sẽ tăng lên. Thêm vào đó, SV có cơ hội được làm việc cùng với Giảng viên hướng dẫn (GVHD) nên sẽ được định hướng và chỉ dẫn thấu đáo hơn đối vớicác vấn đề nghiên cứu.

Thứ hai, hoạt động NCKH giúp SV tăng cường các kỹ năng bổ trợ cần thiết cho công việc cuộc sống sau này như: kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm, các kỹ thuật tin học, … trong đó quan trọng nhất là khả năng tư duy phản biện độc lập, sáng tạo, nhìn các sự vật, sự việc ở nhiều khía cạnh khác nhau để có cách hiểu toàn diện nhất.

2. Thuận lợi và khó khăn của SV khi thamgia NCKH

Trong thời gian học tập tại trường, việc SV tham gia hoạt động NCKH có những thuận lợi và khó khăn như sau:

2.1.Thuận lợi:

2.1.1. Thời gian linh động

Bước vào ngưỡng cửa đại học, thời gian lên lớp của SV đa số các ngành, nhất là các ngành xã hội, kinh tế, không nhiều như khi học phổ thông. Nhiều trường đại học hiện nay đã chuyển đổi sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Cách thức này giúp SVchủ động hơn trong việc bố trí lịch học của mình sao cho thuận tiện nhất. Vì vậy, SV ngày nay có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn so với thời học phổ thông, cũng như so với các thầy cô tham gia giảng dạy. Trong khi đó, thời gian là một yếu tố quan trọng làm nên một công trình NCKH khả thi. Điều đó cho thấy SV có khả năng hoàn thành tốt bài nghiên cứu của mình nếu các bạn biết tận dụng tối đa thời gian của mình.

2.1.2. Sức trẻ của SV

Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Sinh viên Việt Nam số ra ngày 05/1/2015, anh Bùi Quang Huy, Phó Chủ tịch thường trực Trung Ương Hội Sinh viên Việt Nam đã nhận định: các điểm nổi trội của SV ngày nay là: “Tự tin, năng động, sáng tạo.” (Hải,2015) SV ngày nay mang trong mình sức trẻ của thời đại mới. Các bạn tìm kiếm hướng đi cho mình một cách tích cực, không ngại thể hiện ý tưởng mới của mình. Đây là một đặc điểm rất cần thiết cho hoạt động NCKH. Sự sáng tạo giúp mở ra các hướng nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu mới. Tính năng động tạo điều kiện cho người nghiên cứu chủ động tìm tòi, học hỏi, và sự tự tin giúp họ đứng vững với lập trường của mình. Đây là những tố chất cần có ở một nhà nghiên cứu chân chính.

2.2. Khó khăn

2.2.1. Lãng phí thời gian và các nguồn lực khác

Việc quản lý bớt chặt chẽ của gia đình và nhà trường, một mặt mang lại cho SV những đặc tính chủ động tích cực, thì mặt khác lại tạo điều kiện cho những tính cách có phần tiêu cực “sinh sôi”. Như một lẽ tự nhiên, khi không có những hối thúc và tự thân vận động thì các bạn SV sẽ trở nên lười và lãng phí nhiều thứ hơn như: Thời gian, tiền bạc, nguồn lực và cả sức khỏe của mình. (My, 2012) Một số SV hầu như không làm gì khác ngoài việc học và chơi. Ngoài ra, cũng có nhiều SV tốn thời gian và các nguồn lực của mình cho các hoạt động khác bên ngoài hoạt động học thuật (học tập, nghiên cứu khoa học) như hoạt động xã hội, tình nguyện, làm việc bán thời gian, … So với những bạn không làm gì cả ngoài việc học và chơi, thì SV tham gia các hoạt động khác được đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bạn vì quá mải mê tham gia những hoạt động này mà chính việc học tập và nghiên cứu của bạn cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Bản thân tác giả đã chứng kiến nhiều trường hợp SV bỏ dở công trình nghiên cứu đầy hứa hẹn của mình chỉ vì các bạn không quán xuyến hết thời gian dành cho việc học, thi và làm; cá biệt có nhiều bạn rất nổi bật với hoạt động Đoàn Hội và lại tốt nghiệp chậm hơn các bạn cùng khóa do nợ môn học tại trường.

Việc quản lý kém thời gian, tiền bạc và các nguồn lực khác là những trở ngại lớn đối với NCKH trong SV vì hoạt động này đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc, có kỷ luật và kiên nhẫn đi từ đầu đến cuối chặng đường.

2.2.2. Thiếu các kiến thức và thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động NCKH

Khác với giảng viên vốn là những người có kinh nghiệm trong hoạt động Khoa học vì đặc thù của nghề, SV là những đối tượng lạ lẫm và mới mẻ của NCKH. Các bạn SV, đặc biệt là SV năm nhất thiếu nhiều kiến thức cần thiết về chuyên ngành, cũng như phương pháp nghiên cứu để có thể thực hiện một đề tài khoa học. Điều này thể hiện qua việc các bạn thường có xu hướng sao chép các thông tin và chuyển tải một cách máy móc vào trong các bài tiểu luận môn học. Nguyên nhân của điều này là do việc triển khai môn NCKH vào những học kỳ đầu tiên chưa thu hút sự chú ý và quan tâm của SV. Hệ quả là nhiều bạn SV đến khi gần ra trường vẫn chưa biết cách tìm thông tin nghiên cứu như thế nào là hợp lý, hay làm sao biết được tính khả thi của đề tài, … và các GVHD khi ấy cũng vất vả khá nhiều trong việc trang bị cho các bạn lại kiến thức nền của NCKH.

Ngoài ra, SV có nhiều quan niệm chưa chính xác về NCKH như: NCKH rất khó, rất tốn thời gian, khô khan, và không được lợi ích gì. Nhiều SV tham gia nghiên cứu chỉ vì được tính điểm rèn luyện. Điều này có thể do các bạn chưa có được thông tin đầy đủ về NCKH và những điều hay, thú vị mà hoạt động này mang lại.

Việc thiếu kiến thức và thông tin là một thách thức không nhỏ đối với các bạn SV, tuy nhiên với nỗ lực của các bạn thì việc vượt qua trở ngại này là không quá khó. Tác giả đã từng hướng dẫn một nhóm SV NCKH khi các bạn chỉ mới bắt đầu năm thứ hai tại trường. Dù vốn kiến thức ít ỏi, nhưng các bạn đã kiên trì làm việc và nghiên cứu. Kết quả là nhóm đã đạt thành tích tốt trong cuộc thi “Tài năng Khoa học trẻ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

2.2.3. Kỹ năng làm việc nhóm chưa cao

Một trong những khó khăn nữa của SV khi tham gia hoạt động NCKH là kỹ năng làm việc nhóm còn nhiều khiếm khuyết. Nhận biết được những hạn chế về năng lực nghiên cứu và kiến thức chuyên ngành của SV, nhiều cuộc thi NCKH cho phép SV tham gia theo nhóm. Chẳng hạn như Cuộc thi “Tài năng Khoa học trẻ” cho phép SV tham gia theo nhóm không quá năm (05) thành viên. (Quyết định ban hành thể lệ giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên trong các trường đại học, học viện 2012) Đây là một cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các bạn SV tham gia cuộc thi. Nhiều nhóm nghiên cứu đã không đi đến được chặng cuối do mâu thuẫn trong nội bộ nhóm về vấn đề phân công công việc, định hướng, trách nhiệm,…Nguyên nhân của tình trạng này là do SV chưa hình thành được ý thức hoạt động tập thể, trái lại, các bạn đang có xu hướng cô lập mình với thế giới bên ngoài khi mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động NCKH trong nhà trường, việc thiếu kỹ năng làm việc nhóm còn tác động lâu dài đến thái độ sống và công việc của các bạn sau này. Đây là một vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc để tìm ra giải pháp phù hợp.

3. Một số đề xuất nâng cao ý thức của SV đối với hoạt động NCKH

3.1.Nhóm đề xuất với SV

3.1.1. Hoàn thiện về kiến thức chuyên môn và phương pháp nghiên cứu khoa học

Trở thành SV Đại học là một niềm vui, niềm tự hào không chỉ với bản thân SV mà còn của cả gia đình, thầy cô, bè bạn. Thiết nghĩ với một môi trường học tập, nghiên cứu năng động, sáng tạo, các bạn SV cần phải đầu tư nhiều hơn cho công việc chính yếu của “nghề” SV này – nghiên cứu và học tập. SV cần hoạch định rõ những loại kiến thức, kỹ năng mà mình cần có để có thể thành công trong quãng đường đại học nhiều chông gai này thông qua việc tham khảo ý kiến của các anh chị đi trước hoặc các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy. Khi đã có định hướng cụ thể thì phảicố gắng tuân theo các bước mà mình đã đặt ra trong thời gian hợp lý nhất, quyết tâm thực hiện đến cùng. Có kiến thức, có phương pháp nghiên cứu sẽ giúp các bạn SV cảm thấy Nghiên cứu khoa học không phải là một cái gì đó thật xa lạ mà là một điều rất thân quen và không kém phần hấp dẫn.

3.1.2. Linh động trong việc sắp xếp kế hoạch,thời gian

Như phần 2.2.1. đã đề cập, đa số SV rất lơ là với vấn đề quản lý thời gian của mình. Nhiều SV dành phần lớn thời gian trong ngày chỉ để nói chuyện hoặc tham gia các diễn đàn và mạng xã hội với hiệu quả rất thấp. Quản lý thời gian hiệu quả sẽ giúp cuộc sống và việc học bớt ngột ngạt hơn và các mục tiêu đặt ra sẽ được đạt đến một cách nhanh chóng nhất.

Bảng 1. Các bước cơ bản thực hiện đề tài NCKH

1. Lựa chọn vấn đề nghiên cứu

2. Xác định đề tài NCKH

3. Lập đề cương nghiên cứu sơ bộ

4. Thu thập tài liệu nghiên cứu

5. Lập đề cương nghiên cứu chi tiết

6. Triển khai đề tài nghiên cứu

7. Tổng hợp kết quả nghiên cứu

8. Kiểm chứng kết quả nghiên cứu

9. Viết báo cáo tổng hợp đề tài NCKH

10. Công bố kết quả nghiên cứu

Nguồn: (Bùi, n.d)

Bảng1 thể hiện các bước cơ bản để thực hiện đề tài NCKH. Để quản lý tốt kế hoạch thời gian của mình trong NCKH, SV cần căn cứ vào các bước trên để xác định những việc cần làm và phân loại theo mức độ cần thiết và quan trọng. Sau đó, đặt thứ tự ưu tiên cho những việc này kèm theo thời hạn và phương pháp thực hiện. Mọi thứ cần được liệt kê càng cụ thể càng tốt. Chẳng hạn như việc Lập đề cương nghiên cứu sơ bộ (Bước 3) và Thu thập tài liệu nghiên cứu (Bước 4) có thể thực hiện song hành thông qua việc phân chia nhiệm vụ các thành viên trong nhóm. Sau một thời gian tìm tài liệu, nhóm có thể họp lại để chia sẻ và xây dựng đề cương cho mình để trình với SVHD.

Một lưu ý nhỏ là SV nên để các khoảng trống nhỏ giữa các công việc liền kề như một bước “dự trữ”. Tiếp theo, điều quan trọng hơn cả là phải kiên trì thực hiện các kế hoạch mình đã đề ra. Sau cùng, khi đã hoàn tất một giai đoạn nào đó, thì việc suy ngẫm về hiệu quả công việc là cần thiết nhằm rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho những lần lên kế hoạch kế tiếp.

3.1.3. Hoạt động nhóm hiệu quả

Thái độ hợp tác tương trợ nhau góp phần quan trọng trong thành công của hoạt động nhóm, dẫn đến thành công chung của công trình NCKH. Khi lựa chọn nhóm, cần lưu ý đến tính cách và quan điểm của các cá nhân sao cho mọi người có thể hiểu vàlàm việc cùng nhau. Bên cạnh đó, nhóm cần chọn ra một nhóm trưởng có tiếng nói và có thể đại diện nhóm giải quyết những công việc chung. Nhóm trưởng phải là người có tinh thần trách nhiệm cao và khả năng quản lý tốt. Nhóm trưởng phân công công việc hợp lý, đôn đốc việc hoàn tất công việc một cách khéo léo nhưng hiệu quả. Chẳng hạn như: căn cứ theo Bảng 1 ở trên, khi thực hiện Bước 2, 3, 4, nhóm trưởng có thể giao nhiệm vụ cho vài thành viên tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau từ Internet đến các Thư viện trên cơ sở định hướng đã thống nhất của nhóm. Các tài liệu sau đó sẽ được tập hợp lại cho nhóm trưởng và nhóm trưởng sẽ chịu trách nhiệm đọc, phân loại, đánh giá các tài liệu đó. Việc thống nhất bước đi kế tiếp sẽ được thực hiện trong lần họp nhóm gần nhất.

Một điều cần lưu ý là thái độ và hành động của nhóm trưởng góp phần quyết định vào sự đoàn kết hay chia rẽ của nhóm. Vì vậy, việc lựa chọn nhóm trưởng cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

3.2. Các đề xuất khác

Hoạt động NCKH trong SV không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân SV, mà còn đối với Khoa và Nhà trường. Vì vậy, Khoa và Nhà trường cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đối với bản thân SV và Giảng viên hoạt động này. Việc quản lý quá trình hoạt động NCKH của SV có thể được giao phó cho một câu lạc bộ chuyên trách với sự tham gia của chính SV. Như vậy, SV mới thấy được mình cũng là một phần trong hoạt động học thuật chung của Khoa và Nhà trường.

Ngoài ra, trong quá trình lên lớp, Giảng viên, ngoài việc giảng bài cho SV, cần gợi mở và hướng các bạn đến những vấn đề có thể đào sâu nghiên cứu nhằm kích thích sự sáng tạo hướng đến NCKH trong SV.

Lời kết

Hoạt động NCKH mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển của đời sống xã hội và đất nước. Thực tế vẫn còn có nhiều rào cản từ nhiều phía đối với hoạt động này, và điều đó cũng đã làm nản lòng không ít các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên. Mặc dù vậy, theo quan điểm của tác giả, sức mạnh và ý chí nội tại giữ vai trò quan trọng. Thông qua một ít chia sẻ này, tác giả hy vọng các bạn SV vẫn có duy trì chút “lửa” cho NCKH giữa cuộc sống, công việc và việc học với rất nhiều lo toan. Hy vọng rằng NCKH trong SV sẽ tiếp tục một mảng sáng trên bức tranh NCKH của Việt Nam ta trong thế kỷ XXI này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi, S.N. (n.d.). Các bước cơ bản thực hiện một đề tài NCKH. Truy cập từ http://www.svnckh.com.vn/

2. Collis, J., & Hussey, R. (2014). Business Research: A practical guide forundergraduate and postgraduate students (4th ed.). Great Britain:Macmillan.

3. Hải, S. (9/1/2015). Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Học sinh, sinh viên (9/1/1950 – 9/1/2015): 3 từ khóa về sinh viên ngày nay: tự tin, năng động, sáng tạo. Sinh viên Việt Nam. Truy cập từ: http://www.svvn.vn

4. Luật Giáo dục Đại học 2012. Truy cập ngày 20/1/2015, từ http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=163054

5. My, D.V. (19/3/2012). Sinh viên ngày nay đang lãng phí nhiều thứ. Truy cập từ: http://www. http://dantri.com.vn

6. Nguyễn, T.Đ. (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động Xã hội.

7. Quyết định ban hành thể lệ giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên trong các trường đại học, học viện 2012. Truy cập ngày 20/1/2015 từ http://www.moet.gov.vn/?page=6.4&view=4481

Bài viết được trích nguồn từ Facebook: https://www.facebook.com

  • Thứ Tư, 16:02 25/09/2019

Tin tiêu điểm

Hướng dẫn và cung cấp các biểu mẫu liên quan đến công tác sinh viên khoa Điện tử

Hướng dẫn và cung cấp các biểu mẫu liên quan đến công tác sinh viên khoa Điện tử

Thứ Hai, 15:30 03/07/2023
Ấn tượng chương trình chào tân sinh viên khoa Điện tử khóa 16

Ấn tượng chương trình chào tân sinh viên khoa Điện tử khóa 16

Chủ Nhật, 16:56 17/10/2021
Thư cảm ơn quĩ hỗ trợ sinh viên khoa Điện tử gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid - 19

Thư cảm ơn quĩ hỗ trợ sinh viên khoa Điện tử gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid - 19

Thứ Ba, 16:54 14/09/2021
Vòng chung kết cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khoa Điện tử 2021 - Electronic's Got Talent"

Vòng chung kết cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khoa Điện tử 2021 - Electronic's Got Talent"

Thứ Ba, 08:50 27/04/2021
Chung kết và Bế mạc cuộc thi sinh viên với ý tưởng khoa học - Student's scientific ideas 2020

Chung kết và Bế mạc cuộc thi sinh viên với ý tưởng khoa học - Student's scientific ideas 2020

Thứ Tư, 08:16 16/09/2020

Các bài đã đăng

Hội thảo Khoa học: " Những đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến"

Thứ Ba, 08:12 03/12/2024

Quyết định giao nhiệm vụ NCKH cho sinh viên năm học 2024-2025

Thứ Sáu, 11:31 27/09/2024

Thông báo mời tham gia cuộc thi Design thinking Open Innovation Thủ Đức 2024

Thứ Ba, 13:33 17/09/2024

Hội thảo quốc tế APSIPA về Xử lý tín hiệu và thông tin

Thứ Hai, 17:17 22/07/2024

Kế hoạch tổ chức cuộc thi "Thiết kế ứng dụng nhúng 2024"

Thứ Tư, 11:16 10/07/2024
Khai mạc Hội nghị quốc tế về nghiên cứu tính toán thông minh trong kỹ thuật lần thứ IV, năm 2019 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội

Khai mạc Hội nghị quốc tế về nghiên cứu tính toán thông minh trong kỹ thuật lần thứ IV, năm 2019 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội

Thứ Sáu, 11:07 09/08/2019

Thư mời nộp bài “Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin”

Thứ Sáu, 09:20 09/08/2019
Hội đồng khoa học tổ chức đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa

Hội đồng khoa học tổ chức đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa

Thứ Ba, 11:21 16/07/2019
Hội nghị khoa học cấp khoa 2018 – 2019

Hội nghị khoa học cấp khoa 2018 – 2019

Thứ Tư, 12:08 19/06/2019

Thông báo đăng ký đề tài NCKH cho sinh viên năm học 2019-2020

Thứ Hai, 11:03 03/06/2019